Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời – Cuốn sách “nhập môn” vào thế giới của Haruki Murakami
Đầu tiên, phải thú nhận rằng mình đã thai nghén bài cảm nhận này từ rất rất nhiều năm trước. Nhưng thừa nhận là mình không biết phải bắt đầu từ đâu cả. Mỗi lần cầm bút lên là một lần tâm trí cứ như vừa trải qua một trận sóng thần cuốn băng mọi ý niệm, đầu óc trở nên trống rỗng và mơ hồ. Thế là lại thôi, không viết nữa. Nhưng lần này thì mình tuyệt đối không chần chừ nữa và sẽ hoàn thành nó ngay trong một lần “xuống tay”. Và phải cảnh báo rằng bài viết không hề ngắn đâu nhé.
Mình bắt đầu “nhảy hố” Haruki Murakami từ những năm cấp ba. Cuốn sách đầu tiên mà mình đọc là “Rừng Nauy”. Thật ra thì mình đọc nó vì đú trend, nghe nhiều review bảo quyến đó hay, “nhân sinh” đồ, tuổi trẻ đồ blah blah toàn những ngôn từ hoa mĩ. Thế là mua về đọc và kết cục là fail. Với một tấm chiếu mới toanh như mình lúc đó thì việc đọc nó và việc cho một đứa trẻ đang tuổi ăn dặm đi gặm đùi gà quay chẳng khác quái gì nhau cả.
Mình không hiểu một cái gì trong đó, ngôn từ thì cứ trôi tuồn tuột. Và thế là mình tự nhủ “chắc không hợp gu mình rồi”. Sau đó thì vứt “Rừng Na Uy” sang một bên và đọc những cuốn khác, những tác giả khác. Phải đến năm hai sinh viên, mình mới bắt đầu quay lại với Haruki, nhưng lần này là một quyển khác với cái bìa đôi môi đỏ trên nền tuyết trắng khá ấn tượng. Phải, bạn đoán đúng rồi đấy. Là “Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời”.
Và rồi cứ như bị đánh bùa choáng. Mình yêu Haruki, hay nói đúng hơn là yêu quyển sách này ngay từ những dòng đầu tiên.
Thế nhưng tôi lại là con một. Suốt hồi bé, lúc nào tôi cũng có mặc cảm thấp kém. Tồn tại của tôi có một điều đặc biệt: tôi bị tước mất một thứ mà những người khác có và coi là bình thường.
Khi còn nhỏ, tôi không chịu nổi khái niệm “con một”. Mỗi khi nghe thấy từ đó, tôi liền ý thức được ngay điều mà mình thiếu. Nó giống như là một ngón tay chỉ vào tôi và nói: “Mi là một thằng người không hoàn chỉnh”.
Trong cái thế giới nơi tôi sống, mọi người đều chắc chắn rằng bọn con một là một lũ được nuông chiều quá mức, yếu đuối và thất thường khủng khiếp. Cái đó giống như một thứ quy luật thần thánh và tự nhiên, theo cùng lỗi với những quy luật như: “Bò sữa cho sữa” hoặc “Càng lên cao áp suất không khí càng giảm”. Chính vì vậy tôi rất ghét bị hỏi về gia đình. Tôi biết thừa là ngay khi nghe câu trả lời của tôi, người kia sẽ tự nhủ: “À hóa ra là một đứa con một; thế thì chắc chắn là nó phải được nuông chiều quá mức, yếu đuối và thất thường khủng khiếp”. Những phản ứng trăm lần như một đó làm tôi cảm thấy bị tổn thương, tôi biết chúng quá rõ, đến mức ngán ngẩm. Nhưng điều tôi chán nhất là những người nói xấu tôi đó hoàn toàn có lý: không nghi ngờ gì nữa, tôi được nuông chiều quá mức, yếu đuối và thất thường đến khủng khiếp.
Mình là con một, phải nói ngay với bạn như thế. Và cho đến những năm chưa đọc những dòng ấy mình cứ luôn thấy bản thân có gì đó “sai sai”, “thiếu thiếu” ở đâu đấy nhưng lại không tài nào tìm ra được. Nhưng rồi Haruki đến và vả ngay vào mặt mình những câu chữ thần thánh ấy. Mình như được giác ngộ và vỡ ra nhiều điều về chính mình. Phải, không còn nghi ngờ gì nữa. Mình là đứa được nuông chiều quá mức, yếu đuối và thất thường khủng khiếp.
Càng đọc “Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời” lòng mình lại càng thấy buồn kinh khủng khiếp. Nỗi buồn theo chân nhân vật chính- Hajime từ khi anh ấy còn là một đứa trẻ, gặp được chân ái đời mình, cho đến khi hai người lỡ vuột mất nhau trong những năm tháng trưởng thành, đến lúc là người đàn ông của gia đình rồi tình cờ gặp lại người con gái ấy.
Trong hành trình ấy, Hajime đã trải qua nhiều bài học trong cuộc đời, nếm trải nhiều thứ, cũng có thêm nhiều mối quan hệ. Anh đã trưởng thành. Đã đổi khác. Nhưng nỗi cô độc luôn vây quanh anh thì không. Anh luôn muốn níu lấy cuộc sống, luôn muốn chứng minh rằng bản thân mình có tồn tại. Nhưng bức tường vô hình ngăn cách giữa anh và mọi người lại không cho phép anh làm điều đấy.
Hành trình Hajime trưởng thành cũng là hành trình mà mình nhìn thấy bản thân trong đó. Cảm giác mà anh miêu tả là cảm giác mình đã gặp qua. Dù không muốn nhưng mình phải thừa nhận điều đó là sự thật. Từ cảm giác cô độc đến việc không thể hiểu nổi chính mình. Không biết cách làm bạn với nó.
Thời khắc gấp lại cuốn sách, cũng là lúc mình học cách chấp nhận bản thân. Chấp nhận rằng mình không hoàn hảo, chấp nhận cả sự khác biệt của bản thân và hiều hơn về chính mình.
Còn nhiều nhiều lắm những điều mà mình muốn viết ra. Nhưng thôi, vẫn là nên giữ lại một chút cho riêng mình. Nếu bạn muốn nhấm nháp chút cô đơn trong một chiều lộng gió, nếu bạn muốn hiểu hơn một chút về thế giới nội tâm của những đứa con một. Hay đơn giản chỉ là muốn bước vào vương quốc của Haruki một cách dễ dàng, hãy thử đọc “Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời” nhé. Sẽ không làm bạn thất vọng đâu. Yêu bạn lắm, vì đã kiên nhẫn đọc những dòng này đến tận cuối cùng.
MUA SÁCH ONLINE GIÁ TỐT NHẤT