Trước khi đọc “Con hủi”, tôi được nhồi sọ bởi khá nhiều chỉ trích có phần không tích cực hướng vào tác phẩm: Nào là tình tiết diễn biến chậm, lê thê; Nào là nội dung bi kịch, cái kết gây ức chế; Nào là đến tận bây giờ tác phẩm mới chỉ có các bản tiếng Ba Lan, tiếng Nga và tiếng Việt, với hàm ý nó không hề nổi tiếng ở phương Tây.
Ấy vậy mà chả hiểu vì sao, ngay khi cầm cuốn sách đỏ chót này trên tay, tôi lập tức bị thu hút và rung động nhẹ. Nói về tình tiết diễn biến chậm, tôi từng cùng mẹ mình theo dõi các bộ phim truyền hình Ấn Độ, nơi mà một cú quay đầu cũng diễn ra trong vài phút thì tôi thầm nghĩ chẳng còn diễn biến chậm nào có thể gây khó mình nữa.
Vấn đề rõ ràng không phải là xem cái gì, vấn đề là xem cùng ai mà. Đọc sách cũng vậy, với những tác phẩm tiết tấu chậm và cực chậm, vấn đề vốn không phải là đuổi theo các tình tiết nữa, vấn đề là thong dong thưởng thức câu từ.
Nói về cái kết gây ức chế thì quả thực, từ sau khi biết tới “Cuộc hành trình lên phương bắc” và CỰC KỲ, CỰC CỰC KỲ ỨC CHẾ với kết cuộc của nó, tôi đã quen với những kết cuộc gây ức chế cao.
Nói vậy thôi, kết cuộc ức chế có cái hay của nó. Nó không lấp đầy tâm hồn người đọc bằng sự thỏa mãn dễ dãi, mà nó khoét sâu vào đó một khoảng trống, đâm vào đó một cú trích nhẹ gây đau tê, và khiến người đọc không thể không tiếp tục suy ngẫm về tác phẩm ngay cả khi tác phẩm đã hoàn toàn đóng lại.
Kết cuộc gây ức chế giống như cuộc đời vậy. Với một số người cái chết là một dấu chấm hết phi lý và CỰC KỲ, CỰC CỰC KỲ ỨC CHẾ bởi nó dường như biến tất cả mọi ý nghĩa thành hư không. Có thực là như vậy? Trong tác phẩm “Bieguni, những người không ngừng chuyển động” có một câu tôi rất thích: “Mục tiêu của một cuộc hành trình là một cuộc hành trình khác”.
Nếu coi cuộc sống là một cuộc hành trình thì sau dấu chấm hết kia sẽ là một cuộc hành trình kỳ bí khác đang đợi. Hay như tác giả Nguyên Phong từng viết trong “Trở về từ cõi sáng” rằng: “Sau tất cả, với những kẻ có tâm linh sâu sắc, cái chết chỉ là một cuộc phiêu lưu vĩ đại khác mà thôi.”
Có thể bạn thích đọc “Túp lều bác Tôm – Harriet Beecher Stowe”
Kết cuộc gây ức chế của “Con hủi” bởi vậy khiến tác phẩm được sống một cuộc đời mới, ở sâu trong tâm hồn bạn đọc vậy.
Đọc “Con hủi”, thưởng thức những câu văn đẹp long lanh, những rung cảm phập phồng dịu dàng như nắng hồng điểm tô cầu vồng lên giọt sương nhỏ đọng trên chiếc lá non trong buổi bình minh vàng cam vừa xua tan tan sương giá, tôi quên sạch mọi nhận xét, đánh giá từng được nghe về tác phẩm.
Tôi nhẩn nha bước nhẹ qua từng dòng văn, thưởng thức cái hạnh phúc được đắm mình trong hiện tại và quên hẳn dấu chấm hết phi lý có thể sẽ đợi mình ở trang cuối cùng.
Rốt cuộc thì khi bạn toàn tâm toàn ý hạnh phúc trong từng giây phút của thực tại thì sau dấu chấm hết cũng vẫn còn một cuộc phiêu lưu thú vị khác mà thôi.
Con hủi (tiếng Ba Lan: Trędowata) được viết năm 1909, là tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng nhất của nữ văn sĩ người Ba Lan Helena Mniszek (1878–1943). Trái với thái độ lạnh nhạt và hờ hững của các nhà phê bình, tiểu thuyết Con hủi lập tức trở thành một hiện tượng văn học làm náo động thị trường xuất bản, được tái bản liên tục hàng chục lần với số lượng kỉ lục thời gian đó, là tác phẩm văn học bán chạy nhất trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Sau đó tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và được chuyển thể thành 3 phim điện ảnh (các năm 1926, 1936, 1976) và một bộ phim truyền hình (năm 2000).